Nếu có ai đó hỏi bạn “giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em”, bạn sẽ nghĩ ngay đến nơi nào? Còn với tôi lúc này chỉ văng vẳng những câu thơ:
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay”
Những tứ thơ trong trẻo, vui tươi toát lên sự nhộn nhịp và nên thơ của phố cổ Hà Nội. Nếu bạn là một người con thủ đô hay đã có nhiều năm sinh sống, trải nghiệm tại mảnh đất này sẽ thấy phố cổ Hà Nội còn phồn thịnh hơn rất nhiều. Nơi đây cũng gắn liền với rất nhiều ký ức và ghi dấu sự trưởng thành của biết bao thế hệ, trong đó có tôi.
Phố cổ Hà Nội hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử
Thuở sơ khai, khu phố được thiết lập ngay vị trí đắc địa, nằm giữa kinh thành và bờ sông Hồng. Trước khi có dấu chân của Pháp, nét dáng chung của phố cổ là các con phố hẹp, chi chít ngã rẽ hình bàn cờ, tập trung nhiều hoạt động kinh doanh tấp nập. Khi nhắc đến tên từng con đường, từng dãy phố người ta sẽ liên tưởng ngay tới mặt hàng đặc trưng: nào là Hàng Gà, hàng Điếu, rồi hàng Cót, hàng Bài,…
Thế rồi, cùng với sự phát triển của thủ đô, hai bên đường phố cổ “mọc lên” những kiểu nhà ống. Nơi đây là tập hợp những ngôi nhà hẹp nhưng rất dài. Đa số các nhà đều xây dựng với phong cách: gian ngoài mở tạo điều kiện cho ánh sáng chiếu vào, gian tiếp theo dùng để bán hàng, cuối cùng là sân lộ thiên. Đây là một trong những thiết kế nhà ở rất thịnh hành ở thế kỉ XIX. Phố cổ Hà Nội đã bắt kịp hơi thở mạnh mẽ của xã hội hiện đại.
Sự hấp dẫn khó tả đối với bất cứ ai khi đặt chân tới phố cổ Hà Nội là đông đúc và hối hả của người dân nơi đây. Thế nhưng, khi Pháp tới, phố cổ tiếp tục chuyển mình với một diện mạo mới. Ngày càng nhiều căn nhà kiểu Tây xuất hiện với phong cách kiến trúc Châu Âu, chúng vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Nét văn hóa & kiến trúc độc đáo của phố cổ Hà Nội
Bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy ấn tượng bởi kiến trúc và văn hóa của phố cổ. Tổng thể 36 phố phường được thiết kế rất độc đáo với nhiều không gian nhỏ đan xen nhau, các tuyến phố hẹp nối sát nhau, có thể đi từ con phố nọ sang con phố kia như di chuyển sang nhà “hàng xóm”. Tôi còn nhớ hồi nhỏ mình thường xuyên bị lạc đường khi đi dạo quanh phố cổ, cứ quanh đi, quanh lại không tìm được đường về. Những ký ức có chút buồn và nhớ da diết đến lạ.
Phố cổ Hà Nội đan xen những căn nhà ống và lác đác những ngôi biệt thự kiểu Châu Âu, càng tạo thêm sự đa dạng cho nơi đây. Mảnh đất này là nơi tập trung rất nhiều nét văn hóa truyền thống của cư dân kinh đô. Các sản phẩm buôn bán gắn liền tên phố và bắt đầu với từ Hàng. Bạn muốn mua muối hãy ra Hàng Muối, cần tìm đồng hãy ra hàng Đồng,… Do đó, mỗi phường lại có hoạt động kinh doanh riêng. Đầu phía nam của phố là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Cứ vào dịp cuối tuần, người ta lại choáng ngợp với sự nhộn nhịp của tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân.
Tuy sống trong lòng không gian ồn ào, đông đúc nhưng tôi vẫn cảm nhận được nét cổ kính, trầm mặt. Tôi hay ngắm nhìn và đắm chìm trong nỗi suy tư khi nhìn vào những căn nhà nhỏ nép mình vào nhau. Một cảm giác lạ khó tả!
Phố cổ Hà Nội sống mãi trong đời sống tinh thần của người dân Việt
Phố cổ, một điểm du lịch mang nét đặc trưng của Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Mỗi người con Việt Nam đều cảm thấy tự hào khi nhắc về phố cổ. Nơi đây còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế khi trở thành một chứng nhân lịch sử, một di sản còn sót lại qua thử thách khắc nghiệt của thời gian.
Nói về sự đặc sắc của phố cổ, nơi đây mang trong mình nét kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi có nhớ rằng, có nhiều người khi đi ngang phố cổ đều có thắc mắc “tại sao không thay đổi kiến trúc cổ điển kia đi để xây dựng những ngôi nhà hiện đại hơn”. Nhưng bạn có biết không, nếu phá bỏ những dấu ấn hiện tại, nơi đây có còn được gọi là phố cổ?
Tôi và rất nhiều người dân đã và đang sinh sống ở phố cổ Hà Nội sẽ xem đây là một phần quan trọng trong nhịp sống hàng ngày. Những kỷ niệm, vui, buồn, cơ hội của tương lai mỗi người cũng bắt đầu từ những con phố này.
Đó là những suy nghĩ và cảm xúc của tôi khi được hỏi hãy “giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em”. Khi nhớ về địa danh này, tôi lại nhớ về biết bao điều tươi đẹp, thú vị xen lẫn niềm tự hào. Còn bạn thì sao? Hãy cùng chia sẻ danh lam thắng cảnh tươi đẹp của quê hương mình cho mọi người cùng biết nhé!
Nguồn bài viết: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em
source https://giatricuocsong.org/gioi-thieu-mot-danh-lam-thang-canh-o-que-huong-em/
Nhận xét
Đăng nhận xét